Toàn cảnh hội nghị.
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh;Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh.
Lãnh đạo sở Công thương trình bày Đề án phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030.
Đề án phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, nêu quan điểm: Tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo theo hướng mở rộng và đầu tư mới, bổ sung các ngành công nghiệp nặng đi đôi với mở rộng, hiện đại hóa, tăng hiệu quả các ngành công nghiệp nhẹ. Từng bước tăng tỷ trọng các ngành sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, chế biến sâu xuất khẩu. Phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như lọc hóa dầu, hóa chất, may mặc, da giày; vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm, thủy sản, chế tạo máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp kim loại, cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, điện tử - công nghệ thông tin có hàm lượng khoa học - công nghệ cao.
Với mục tiêu tổng quát đến năm 2030, phấn đấu phát triển ngành công nghiệp với tốc độ nhanh, bền vững, làm nền tảng chuyển dịch cơ cấu kinh tế toàn tỉnh theo hướng CNH, HĐH. Kết hợp giữa phát triển công nghiệp với đầu tư kết cấu hạ tầng; xây dựng đồng bộ và nâng cao hiệu quả hoạt động các KCN, CCN; triển khai nhanh các dự án trong KKT Nghi Sơn, tạo hạt nhân tăng trưởng cho toàn nền kinh tế phát triển.
Phát triển công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp Thanh Hóa hướng đến các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ và chuyên môn hóa cao, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ gắn kết với phát triển các ngành công nghiệp trong khu vực và cả nước. Phấn đấu Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung và cả nước, gắn với phát triển bền vững, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển ở phía bắc của Tổ quốc. Phấn đấu đến năm 2030, Thanh Hóa cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Đề án đề ra 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2021 -2025 là: Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp đạt 16,4%/năm; giai đoạn 2026-2030 đạt 12,2%/năm.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Tuấn Sinh phát biểu tại hội nghị.
Cho ý kiến vào Đề án, các đồng chí Thường trực, Thường vụ Tỉnh ủy đã phân tích về bức tranh toàn cảnh và lợi thế trong phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh, đồng thời nêu lên những vấn đề đang được coi là điểm nghẽn trong việc thu hút phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, việc thu hút đầu tư các nhà đầu tư, tập đoàn lớn vào địa bàn. Các ý kiến cũng đã phân tích với các tỉnh, thành phố có tính chất tương đồng nhằm so sánh để tìm ra những điểm mạnh, điểm yếu trong việc phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong những năm qua.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Tiến Lam phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Bí thư Thành ủy TP Thanh Hóa Lê Anh Xuân phát biểu tại hội nghị.
Trên cơ sở phân tích và so sánh về lợi thế phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh, các ý kiến cũng đã chỉ ra những hạn chế trong việc phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh thời gian qua đó là: Chưa thu hút được các dự án Công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử có giá trị gia tăng cao; một số dự án đầu tư không triển khai được, hoặc chậm tiến độ. Hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp chưa cao, thiếu doanh nghiệp có vai trò đầu tầu, dẫn dắt…
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi phát biểu tại hội nghị.
Để phát triển công nghiệp tỉnh các ý kiến cho rằng phải có giải pháp về công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; giải pháp về cơ chế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh đổi mới công tác xúc tiến đầu tư; xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo mặt bằng sạch để đón nhà đầu tư.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng phát biểu kết luận tại hội nghị.
Kết luận nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đánh giá cao tinh thần chủ động của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xây dựng Đề án nhằm hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị khóa XII; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Trên cơ sở các ý kiến thảo luận của các đồng chí Thường trực, Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiếp thu và hoàn chỉnh Đề án.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nêu rõ: Thanh Hóa là tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo; hiện nay tỉnh ta đang có nhiều thời cơ vận hội để phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và nhất là trong Nghị quyết 58 Bộ chính trị Khóa XII đã nêu rõ, tỉnh Thanh Hóa cần phải lấy công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logictis là đột phá. Như vậy cho thấy Bộ Chính trị đã nhìn thấy tiềm năng, thế mạnh, thời cơ, vận hội để tỉnh Thanh Hóa phát triển công nghiệp chế biến chế tạo trong thời gian tới.
Bên cạnh nêu lên những kết quả đạt được của trong phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh trong những năm qua có bước phát triển cả về chất và lượng, hiện đang đứng thứ 16 trong cả nước, có những nhóm đứng đầu cả nước. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đã chỉ rõ những mặt còn hạn chế trong phát triển công nghiệp chế, biến chế.
Để phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo trong thời gian tới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đề nghị Đề án cần phải nêu rõ được định hướng phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo phải trở thành khâu đột phá thực hiện trong nhiệm vụ năm 2022 và những năm tiếp theo. Trong đó cần phải khẩn trương thông qua quy hoạch tỉnh; tập trung giải phóng mặt bằng, bố trí quỹ đất để thực hiện tái định cư tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ổn định đời sống khi bị thu hồi đất phục vụ cho dự án; tiếp tục hoàn thiện kết cầu hạ tầng kinh tế - xã hội nói chung, trong đó có hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là cải cách hành chính, tập trung đào tạo nguồn nhân lực, kiện toàn tổ chức bộ máy về xúc tiến đầu tư. Quan tâm tạo điều kiện đến các dự án cũ để nâng cấp mở rộng và thay đổi công nghệ mới.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, năm 2022 Thường trực Tỉnh ủy sẽ tập trung chỉ đạo để thực hiện triển khai Đề án nhằm phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo để tạo chuyển biến rõ nét trong phát triển công nghiệp của tỉnh.
Tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng cho ý kiến vào Đề án phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; chủ trương đầu tư dự án sửa chữa, cải tạo Khu liên kiểm Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo, huyện Quan Sơn và một số nội dung khác.