Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
206 người đã bình chọn
856 người đang online

Tổng hợp các hoạt động nổi bật của Lãnh đạo Bộ và Bộ Công Thương tuần từ 30/5/2022 đến 5/6/2022

Đăng ngày 08 - 06 - 2022
100%

Tuần vừa qua, giá dầu trên thế giới có nhiều biến động gây ảnh hưởng tới giá xăng dầu trong nước. Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương luôn chia sẻ khó khăn với người dân và đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu.

Trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã quyết liệt triển khai các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như góp phần hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp thông qua chương trình cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) tại Bộ Công Thương.

Cổng Thông tin Điện tử Bộ Công Thương tổng hợp các hoạt động nổi bật của Lãnh đạo Bộ và Bộ Công Thương tuần từ ngày 30/5/2022 đến ngày 5/6/2022 và gửi đến bạn đọc.

Tuần làm việc thứ 3 Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Tuần làm việc thứ 3 (từ ngày 6-10/6) của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra nhiều nội dung quan trọng, thu hút sự quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước. Điểm nhấn nổi bật trong tuần làm việc là sẽ diễn ra hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội. Trên cơ sở kết quả xin ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất 4 nhóm vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, gồm: Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; tài chính; ngân hàng; giao thông vận tải.

Chi tiết xem tại đây

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Không có cơ sở để hủy bỏ quy hoạch điện hạt nhân Ninh Thuận

Tại Nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trả lời các đại biểu Quốc hội về “dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Trước vấn đề đại biểu nêu liên quan đến điện hạt nhân, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên bày tỏ: “Chúng ta đều biết rằng cấp có thẩm quyền đã cho chủ trương và Quốc hội cũng đã biểu quyết nghị quyết về tạm dừng xây dựng điện hạt nhân Ninh Thuận. Như vậy, nghị quyết của chúng ta là tạm dừng chứ không phải là hủy bỏ. Cho nên về nguyên tắc là không có cơ sở để bỏ quy hoạch địa điểm điện hạt nhân. Mặt khác, địa điểm này đã được các đối tác của chúng ta và bản thân ngành cùng với các ngành có liên quan đã nghiên cứu rất kỹ và khẳng định, địa điểm Ninh Thuận là địa điểm phù hợp nhất cho việc phát triển điện hạt nhân của chúng ta”.

Về phát triển điện hạt nhân, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ đã kiến nghị với Chính phủ về xu hướng thế giới đã quay trở lại điện hạt nhân. Người đứng đầu ngành Công Thương cũng báo cáo với Quốc hội là vấn đề điện hạt nhân rõ ràng là cấp có thẩm quyền mới có thể quyết định được. Nhưng ở góc độ của ngành thì ngành cũng đã tham mưu cho Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo cao cấp rằng thế giới hiện nay đang quay lại để phát triển điện hạt nhân.

Theo Bộ trưởng, với những cam kết tại COP26 thì Việt Nam sẽ phải phát triển năng lượng sạch, trong đó có năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Tuy nhiên, để khai thác được nguồn năng lượng tái tạo này nhất thiết phải có một nguồn nền ổn định. Với bối cảnh Việt Nam hiện nay, các nguồn điện truyền thống như nhiệt điện than, thủy điện gần như đã hết dư địa để phát triển vì thế xu hướng tất yếu đến một lúc nào đó chúng ta cũng phải tính đến điện hạt nhân.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thông tin thêm, Hoa Kỳ và Đức là hai quốc gia 3 năm trước khởi động quá trình giảm điện hạt nhân. Nhưng đến bây giờ chính hai quốc gia này đang phải xây dựng lộ trình để phát triển mạnh hơn điện hạt nhân làm cơ sở cho việc phát triển, khai thác và phát triển năng lượng tái tạo.

"Vì vậy, chúng tôi kiên trì kiến nghị với Chính phủ và Chính phủ cũng đã báo cáo với Quốc hội là vấn đề xóa bỏ quy hoạch địa điểm để phát triển điện hạt nhân ở khu vực Ninh Thuận thì chúng ta chưa nên xem xét đến và để chờ đến khi cấp có thẩm quyền quyết định chính thức chúng ta tiếp tục hay là không tiếp tục thì hãy tính" - Bộ trưởng nói.

Chi tiết xem tại đây

Luật Dầu khí sửa đổi: Lợi ích quốc gia, dân tộc được đặt lên hàng đầu

Ngày 3/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).  Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, việc sửa đổi phải đáp ứng yêu cầu đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, qua thực tiễn đánh giá thi hành Luật Dầu khí ban hành năm 1993, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2000 và năm 2008, Chính phủ nhận thấy, Luật Dầu khí và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí trong những năm qua đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dầu khí trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ chủ quyền của đất nước trên Biển Đông.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, việc xây dựng dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) phải đáp ứng yêu cầu đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế nhất là về năng lượng.

Đồng thời, bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên, chủ quyền quốc gia bao gồm cả chủ quyền pháp lý, xây dựng thể chế hội nhập, khẳng định vị thế của Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế; tăng cường năng lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, tránh lợi ích cục bộ của các bộ, các ngành.

Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) gồm 11 Chương 64 điều. Theo đó, Luật Dầu khí (sửa đổi) kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Dầu khí hiện hành, bảo đảm tính ổn định, liên tục của các hợp đồng dầu khí, Hiệp định đã ký kết; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật.

Nội dung của dự thảo Luật giải quyết 6 nhóm chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 17 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Chi tiết xem tại đây

Bộ Công Thương chia sẻ khó khăn với người dân và luôn có các giải pháp đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến giải pháp điều hành thị trường và giá xăng dầu trong nước tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 4/6/2022, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải - Người phát ngôn Bộ Công Thương nhấn mạnh: Bộ Công Thương chia sẻ khó khăn với người dân sử dụng xăng dầu phục vụ sinh hoạt, đời sống cũng như các doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Thời gian qua, lãnh đạo Chính phủ hết sức quan tâm, thường xuyên có chỉ đạo quyết liệt về: đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; và điều hành hợp lý giá cả mặt hàng xăng dầu. Chính vì thế,  Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để thực hiện nhất quán, đúng quy định theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 và Nghị định số 95/2021/NQ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ trong việc điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới nhưng vẫn mang lại thuận lợi nhất trong điều kiện có thể cho người dân, doanh nghiệp.

Chi tiết xem tại đây

Trước đó, tại kỳ điều hành xăng dầu vào ngày 1/6/2022, việc CPI bình quân 05 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2021 đã tăng lên mức 2,25% trong đó nhóm giao thông tăng 16,65%, để góp phần hạn chế mức tăng CPI, Liên Bộ Công Thương – Tài chính tiếp tục sử dụng linh hoạt công cụ Quỹ BOG nhằm vừa hạn chế mức tăng của giá xăng dầu trong nước và có phương án duy trì Quỹ BOG.

Thị trường xăng dầu thế giới trong thời gian giữa 02 kỳ điều hành giá vừa qua có nhiều biến động. Nguồn cung cho thị trường (nhất là khu vực Châu Âu) tiếp tục chịu ảnh hưởng từ việc các nước Châu Âu đã thống nhất tăng mức cấm vận đối với các sản phẩm xăng dầu từ Nga, trong khi đó tồn kho dầu thô của Mỹ vẫn ở mức thấp. Về nhu cầu, việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phong tỏa để phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại Thượng Hải từ 1/6/2022 sẽ hỗ trợ cầu xăng dầu tăng mạnh và nhu cầu một số mặt hàng xăng, dầu tăng khi đang vào mùa lái xe mùa Hè tại Mỹ.

Chi tiết xem tại đây

Họp báo Chính phủ thường kỳ Tháng 5/2022

Thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022 sáng cùng ngày (4/6), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, phiên họp diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, khó lường; kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi, nhưng lực cản và rủi ro tiềm ẩn gia tăng. Cạnh tranh kinh tế, chính trị, quân sự giữa các nước diễn biến phức tạp, đặc biệt là chiến sự ở Ukraine vẫn kéo dài, khó đoán định. Rủi ro lạm phát gia tăng, giá cả nguyên vật liệu, đầu vào tăng cao, đặc biệt là giá dầu; các vấn đề về an ninh phi truyền thống, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu… diễn biến phức tạp.

Trong nước, dịch COVID-19 ở nước ta được kiểm soát tốt, số ca nặng, tử vong giảm mạnh. Tình hình KTXH tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022 tiếp tục khởi sắc, đạt nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư không ngừng được củng cố và tăng cường.

Tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ đã xem xét, thảo luận về: Tình hình KTXH tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới; công tác phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi phát triển kinh tế, giải ngân đầu tư công và một số nội dung quan trọng khác.

Chi tiết xem tại đây

Bộ Công Thương và Đài Truyền hình Việt Nam Ký kết Thỏa thuận phối hợp công tác giai đoạn 2022 – 2025

Ngày 31/5/2022, Bộ Công Thương và Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã ký kết Thỏa thuận phối hợp công tác giai đoạn 2022-2025, nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông, tạo sự đồng thuận xã hội đối với việc triển khai các kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của ngành Công Thương.

Căn cứ vào kế hoạch truyền thông tổng thể, Bộ Công Thương và Đài Truyền hình Việt Nam nhất trí tăng cường phối hợp trong việc thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về những vấn đề và hoạt động của ngành Công Thương trên các kênh sóng của VTV. Theo kế hoạch hợp tác, hai bên sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biến cơ chế, chính sách liên quan đến ngành Công Thương và các lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, thời gian qua, đặc biệt là trong thời điểm bùng phát dịch bệnh Covid-19, Bộ Công Thương đã nhận được sự phối hợp hỗ trợ rất tốt của Đài Truyền hình Việt Nam trong việc thông tin đến người dân các hoạt động cung ứng hàng hóa, đảm bảo chuỗi sản xuất... Thỏa thuận được ký kết lần này tái khẳng định sự hợp tác bền chặt giữa hai cơ quan và cũng chính là sự ghi nhận của Bộ Công Thương đối với những đóng góp của VTV trong sự phát triển của ngành Công Thương.

Chi tiết xem tại đây

Công bố Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam năm 2021

Sáng ngày 2/6, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An và Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Kim Højlund Christensen đã đồng chủ trì Lễ công bố Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2021 (EOR21). Báo cáo đã đề xuất một số kịch bản phát triển để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng không vào năm 2050. Đây là ấn phẩm thứ ba trong chuỗi các ẩn phẩm Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam do Chương trình Đối tác năng lượng Đan Mạch – Việt Nam xây dựng.

Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam đã đưa ra thông điệp rõ ràng, đó là Việt Nam có nhiều tiềm năng chuyển đổi xanh để trở thành một nền kinh tế có mức phát thải cacbon ròng bằng không vào năm 2050 như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết tại COP26 ở Glassgow. Cụ thể, Báo cáo đưa ra gó nhìn trung và dài hạn về các kịch bản phát triển ngành năng lượng Việt Nam đến năm 2050, cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách và gợi mở caccs thảo luận về quá trình chuyển đổi xanh.

Chi tiết xem tại đây

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân thăm, tặng quà gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động

Vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã đến thăm hỏi, động viên và tặng quà gia đình có người thân bị tử vong do tai nạn lao động. Đây là một trong những hoạt động của Bộ Công Thương để hưởng ứng “Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2022”. Cùng tham gia đoàn công tác có đại diện các đơn vị của Bộ Công Thương là Công đoàn Công Thương Việt Nam, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp.

Đoàn công tác của Thứ trưởng đã đến thăm gia đình ông Đinh Văn Uy, là nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn lao động tại Trạm biến áp 220KV Chèm, phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội vào năm 2021. Tại gia đình, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã ân cần hỏi thăm tình hình sức khỏe, đời sống và bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ trước những khó khăn, mất mát của gia đình. Thứ trưởng cũng động viên các thành viên trong gia đình sớm vượt qua những đau thương để sớm ổn định cuộc sống.

Chi tiết xem tại đây

Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ

Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực Thương mại và Công nghiệp. Bộ Công Thương xác định tập trung vào những nhóm giải pháp đồng bộ hướng tới người dân và doanh nghiệp là chìa khóa để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nên cần được triển khai liên tục, kiên trì, thực chất, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí nguồn lực, đồng thời đảm bảo tính kế thừa và đổi mới sáng tạo với những bước đi vững chắc, phù hợp thực tiễn hoạt động của Bộ và của ngành Công Thương trong từng thời kỳ, từng lĩnh vực, theo định hướng chủ trương, nghị quyết của Trung ương.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/BCSĐ ngày 27/01/2022 lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số của Bộ Công Thương giai đoạn 2022 – 2025 với mục tiêu tổng quát “Đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử tại Bộ Công Thương trên cơ sở cải cách hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, thực hiện chuyển đổi số, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và bảo đảm an toàn thông tin mạng”. Trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã quyết liệt triển khai các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như góp phần hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp thông qua chương trình cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) tại Bộ Công Thương.

Chi tiết xem tại đây

Đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ giai đoạn 2023-2025 tham gia “Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Quốc gia phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản đến năm 2025”

Bộ Công Thương vừa có Công văn số 2824/BCT-KHCN ngày 25 tháng 5 năm 2022, thông báo về việc đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ giai đoạn 2023-2025 tham gia “Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Quốc gia phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản đến năm 2025”.

Thực hiện Quyết định số 2355/QĐ-BKHCN ngày 30 tháng 8 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ phê duyệt Khung “Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Quốc gia phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản đến năm 2025” (gọi tắt là Chương trình) thuộc Đề án “Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 259/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2017; căn cứ các quy định hiện hành về trình tự, thủ tục xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước; Bộ Công Thương thông báo về việc đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ giai đoạn 2023-2025.

Chi tiết xem tại đây

Hoa Kỳ khởi xướng điều tra xem xét phạm vi sản phẩm với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) nhận được thông tin về việc ngày 24 tháng 5 năm 2022 (giờ Hoa Kỳ), Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra xem xét tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam và Malaysia vào Hoa Kỳ sử dụng các bộ phận nhập khẩu từ Trung Quốc có thuộc phạm vi áp dụng của biện pháp phòng vệ thương mại mà Hoa Kỳ đang áp dụng với sản phẩm tương tự của Trung Quốc không.

Để đảm bảo lợi ích chính đáng của mình, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị Hiệp hội và các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu sản phẩm tủ gỗ tiếp tục rà soát các hoạt động xuất khẩu các sản phẩm bị điều tra sang Hoa Kỳ; nghiên cứu, tìm hiểu quy định, trình tự thủ tục điều tra chống lẩn tránh thuế của Hoa Kỳ; thực hiện đúng và đầy đủ các yêu cầu của cơ quan điều tra Hoa Kỳ, phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại trong suốt quá trình của vụ việc.

Chi tiết xem tại đây

Áp dụng Quy tắc cụ thể mặt hàng (phiên bản HS 2017) thuộc Chương Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong VKFTA từ 01/8/2022

Ngày 22 tháng 12 năm 2021 trong khuôn khổ Kỳ họp lần 5 của Ủy ban Hỗn hợp thực thi VKFTA tại Xơ-un, Hàn Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc thay mặt Chính phủ hai nước ký Công hàm trao đổi sửa đổi Quy tắc cụ thể mặt hàng quy định tại Phụ lục 3-A của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA).

Thực hiện cam kết quốc tế và điều chỉnh quy trình cấp C/O mẫu VK theo Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa, ngày 01 tháng 6 năm 2022 Bộ trưởng Bộ Công Thương ký ban hành Thông tư số 09/2022/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2015/TT-BCT ngày 18 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc.

Chi tiết xem tại đây

Các hoạt động xúc tiến thương mại

Hội nghị xúc tiến tiêu thụ Bí xanh thơm và các nông sản tỉnh Bắc Kạn năm 2022

Sáng ngày 02/6/2022, tại huyện Ba Bể, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ Bí xanh thơm và các sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Kạn năm 2022 và chương trình Ngày hội nông sản - OCOP tỉnh Bắc Kạn năm 2022.

Tham dự Hội nghị có đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương: Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Vụ Thị trường trong nước,… Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Kạn, đại diện các Sở, Ngành tỉnh Bắc Kạn. Sự kiện cũng thu hút sự tham gia của đại Lãnh đạo Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như Hà Nội, Cao Bằng, Lạng Sơn... Việc tổ chức sự kiện Xúc tiến tiêu thụ Bí xanh thơm, sản phẩm OCOP gắn với hoạt động trải nghiệm sinh thái, sẽ quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ Bí xanh thơm, các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các sản phẩm nông sản đặc trưng, có thế mạnh của tỉnh Bắc Kạn; hình thành các liên kết bền vững giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với nhà phân phối; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn phát triển sản xuất, mở rộng thị trường theo chuỗi giá trị.

Chi tiết xem tại đây

Hội nghị giao thương trực tuyến kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Lát-vi-a

Nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Lát-vi-a, ngày 31 tháng 5 năm 2022, Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với Bộ Kinh tế Lát-vi-a, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Lát-vi-a), Cục Phát triển và Đầu tư Lát-vi-a (LIAA) và các cơ quan hữu quan tổ chức chương trình Hội nghị, giao thương trực tuyến kết nối doanh nghiệp Việt Nam và Lát-vi-a.

Phát biểu khai mạc, ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá cao sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp hai nước và tin tưởng rằng chương trình sẽ thành công tốt đẹp. Thứ trưởng nhấn mạnh hội nghị giao thương trực tuyến kết nối doanh nghiệp Việt Nam – Lát-vi-a “là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Kinh tế Lát-vi-a, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Lát-vi-a) tổ chức nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Lát-vi-a. Đồng thời, đây cũng là một trong những hoạt động nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1992 – 2022).

Chi tiết xem tại đây

Kết nối với nhà nhập khẩu Chile tại Diễn đàn do Phòng Thương mại Châu Á Thái Bình Dương tổ chức

Vừa qua, tại thủ đô Santiago de Chile, Thương vụ Việt Nam tại Chile đã tham dự diễn đàn “Hội nhập và Phát triển con người” do Phòng Thương mại Châu Á- Thái Bình Dương tổ chức. Diễn đàn là sự kiện thường niên trực tiếp của Phòng Thương mại Châu Á- Thái Bình Dương phối hợp với Thương vụ các nước/nền kinh tế gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Ecuador, Peru, Panama, Indonesia, Malaysia và Việt Nam … tổ chức sau hai năm đình trệ do dịch Covid-19.

Trong khuôn khổ sự kiện lần này, Thương vụ Việt Nam tại Chile đã tổ chức gian hàng trưng bày và giới thiệu nhiều sản phẩm Việt như cà phê, chè, gạo, hạt tiêu, hạt điều, đồ thủ công mỹ nghệ, bao bì, dây cho nuôi trồng cá hồi, đồ gia dụng, đồ từ tre, quần áo, giày dép, đồ thể thao…

Chi tiết xem tại đây

Hội chợ quốc tế nhãn hàng riêng “PLMA’s World of Private Label 2022”

Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan hỗ trợ Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Agritrade) và các doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội chợ quốc tế nhãn hàng riêng “PLMA’s World of Private Label 2022”, diễn ra từ 31/5 – 1/6 tại Trung tâm Triển lãm RAI, Amsterdam.

Đối với ngành thực phẩm và đồ uống tại thị trường Hà Lan thì Hội chợ Quốc tế Thực phẩm Nhãn hàng riêng “PLMA’s World of Private Label 2022” là sự kiện lớn và quan trọng hàng đầu, được các doanh nghiệp toàn cầu quan tâm đặc biệt. Tham gia hội chợ là cơ hội để quảng bá, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hà Lan và EU. Hội chợ năm nay có sự tham gia của 2.500 doanh nghiệp đến từ 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, thu hút gần 16.000 khách đến tham quan, giao dịch, ký kết hợp đồng.

Chi tiết xem tại đây

Triễn lãm nông sản, thủy sản và thực phẩm Indonesia

Triễn lãm Nông sản, thủy sản và thực phẩm Indonesia lần thứ 20-Indonesia Agro Food Expo 2022, sẽ diễn ra từ ngày 01-03/07/2022 tại Trung tâm Hội nghị Jakarta (tại thủ đô Jakarta của Indonesia).

Đây là một trong những  Triển lãm nông, thủy sản và thực phẩm lớn và có uy tín của Indonesia với sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp, Hiệp hội thực phẩm và đồ uống Indonesia, được tổ chức định kỳ hàng năm từ năm 2001 tới nay với số lượng khách tham dự lên tới 30.000 người vào năm 2019 cùng sự tham gia của nhiều doanh nghiệp từ Trung Quốc, Pakistan, Hoa Kỳ, Malaysia, Singapore, Nam Phi và Đài Loan.

Chi tiết xem tại đây

Hội chợ Dệt may Quốc tế Ấn Độ 2022

Hội chợ Dệt may Quốc tế Ấn Độ lần thứ 67 (67th India International Garment Fair – IGFA) sẽ diễn ra từ ngày 20 đến 22/06/2022, tại Trung tâm triển lãm India Expo Centre, Greater Noida, Ấn Độ. Đây là hội chợ chuyên ngành dệt may lớn của Ấn Độ, do Hiệp hội Triển lãm Dệt may quốc tế (International Garment Fair Associaton - IGFA) tổ chức 1 năm 2 lần (mùa Đông và mùa Hè) dưới sự bảo trợ của Bộ Dệt may và Bộ Công Thương Ấn Độ.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hai hội chợ gần đây (tháng 10-11/2020; tháng 7-10/2021) đã được tổ chức dưới hình thức trực tuyến. Cả hai sự kiện đều nhận được sự đánh giá cao từ phía những người tham gia, giúp các nhà xuất khẩu của Ấn Độ giới thiệu các thiết kế mới nhất của họ trong lĩnh vực may mặc và phụ kiện may mặc.

Chi tiết xem tại đây

<

Tin mới nhất

Thông báo mời tổ chức tư vấn xác định giá đất và chuyên gia về giá đất tham gia Hội đồng thẩm...(20/11/2024 3:54 CH)

Chào mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10(06/10/2024 9:42 CH)

Hưởng ứng “Tuần lễ Áo dài Việt Nam” của cán bộ, công chức nữ trong Sở Tài chính Thanh Hóa.(09/09/2022 2:34 CH)

Quy định về quyết toán dự án hoàn thành sử dụng nguồn vốn nhà nước(09/09/2022 2:32 CH)

Hướng dẫn liên ngành về việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với doanh nghiệp gặp...(09/09/2022 2:31 CH)

Tổ chức Đại hội Đảng bộ Sở Tài chính Thanh Hóa lần thứ 23(09/09/2022 2:30 CH)

Hành trình thanh niên kết nối - tri ân, chung tay vì cộng đồng(09/09/2022 2:28 CH)

Đảng ủy Sở Công Thương chỉ đạo Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2022 – 2025(01/07/2022 10:13 SA)