Công tác cải cách hành chính và giải pháp nâng cao
Cải cách hành chính là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị - xã hội, nhằm sửa đổi toàn diện hệ thống hành chính nhà nước, giúp cơ quan nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, phục vụ nhân dân, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội tốt hơn trong tình hình mới.
Nội dung cải cách hành chính
- Cải cách thể chế hành chính nhà nước.
- Cải cách thủ tục hành chính (TTHC).
- Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.
- Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
- Cải cách tài chính công
Kết quả thực hiện cải cách hành chính
Một là, thể chế, chính sách luôn được quan tâm hoàn thiện, chất lượng ngày càng nâng cao.
Thứ hai, đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông đã mang lại hiệu quả cao.
Thứ ba, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước không ngừng được nâng cao.
Thứ tư, chuyển đổi số trong nền hành chính nhà nước đạt nhiều kết quả tích cực.
Giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính
Một là, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng công tác cải cách hành chính đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động và nhân dân trên địa bàn để từ đó mỗi cá nhân nắm rõ và nhận thức sâu sắc tầm quan trọng công tác cải cách hành chính. Công tác thông tin, tuyên truyền phải bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng đảm bảo thực chất, hiệu quả.
Hai là, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ CCHC. Chủ động, tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ CCHC tại các địa phương, cơ quan, đơn vị; bảo đảm hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ CCHC đã đề ra trong kế hoạch hàng năm; thường xuyên theo dõi, đánh giá, quán triệt việc thực hiện các nhiệm vụ CCHC để kịp thời phát hiện và chỉ đạo xử lý những hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai và phối hợp thực hiện giữa các cơ quan, đơn vị.
Ba là, tiếp tục triển khai thực hiện thường xuyên việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết nhiệm vụ chuyên môn. Thực hiện có hiệu quả chương trình CCHC gắn liền với việc xây dựng chính quyền điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4 trong các lĩnh vực. Thường xuyên rà soát, cập nhật, niêm yết công khai TTHC theo quy định; nâng cao chất lượng giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện, cấp xã thông qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông; hạn chế đến mức thấp nhất hồ sơ trễ hạn, phải xin lỗi.
Bốn là, xây dựng lộ trình, kế hoạch nâng cấp hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đảm bảo an toàn thông tin gắn với hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin; chú trọng thực hiện chuyển đổi số trong việc xây dựng dữ liệu, phần mềm chuyên ngành để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, như công tác quản lý cán bộ, đầu tư công, tài chính công, tài sản công, hồ sơ địa chính, đất đai…; thực hiện tốt công tác quản trị, đăng tin bài, cập nhật, duy trì Cổng Thông tin điện tử nhằm phát huy tối đa hiệu quả.
Năm là, triển khai thực hiện có hiệu quả hướng dẫn về vị trí việc làm và định mức biên chế công chức theo các quy định của cấp trên, phát huy tối đa nguồn biên chế được giao. Bố trí cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ổn định, đúng chuyên môn, chức năng nhiệm vụ; tiếp tục triển khai việc rà soát, cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, tư pháp, hộ tịch… để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Sáu là, mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ công tác cải cách hành chính cho cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường công tác kiểm tra CCHC, kiểm tra công vụ nhằm nâng cao kỷ luật, kỷ cương, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp.
Bảy là, nâng cao hơn nữa vai trò giám sát, phản biện xã hội của HĐND, các Ban HĐND, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn; đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động; huy động sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp vào công tác cải cách hành chính.