Quyết liệt thực hiện Đề án “Đơn giản hoá giấy tờ công dân”

(Chinhphu.vn) - Sáng ngày 6/9, tại Trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 (Đề án 896), chính thức ra mắt và họp phiên đầu tiên.

 

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo Đề án 896 ngay sau khi Ban Chỉ đạo ra mắt. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Theo Quyết định số 1348/QĐ-TTg ngày 7/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách Ban Chỉ đạo, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng Ban, lãnh đạo các bộ là thành viên Ban Chỉ đạo.

Một trong những nhiệm vụ lớn của Đề án và Ban Chỉ đạo là kiện toàn bộ máy, xây dựng quy chế hoạt động, thành lập các tổ công tác triển khai thực hiện Đề án tại các bộ, ngành. Bên cạnh đó, sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc cấp số định danh cá nhân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, gồm hoàn thiện và trình dự án Luật Hộ tịch, xây dựng Dự thảo Nghị định về cấp, quản lý, sử dụng số định danh cá nhân; sửa đổi Nghị định 90/2010/NĐ-CP về cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Tại phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo, đại diện các bộ, ngành cho rằng cần nghiên cứu để kế thừa, tận dụng tối đa và tích hợp cơ sở dữ liệu mà các bộ, ngành đã xây dựng, như: Mã số thuế cá nhân và mã số doanh nghiệp của Bộ Tài chính đang sử dụng hiện nay; cơ sở dữ liệu của Bộ Công an; cơ sở dữ liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường về đất đai; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân số của Bộ Y tế… nhằm tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả của Đề án.

Bên cạnh đó, việc xây dựng “Số định danh thống nhất” cho người dân phải tích hợp được tất cả các mã số của các ngành để tìm ra bất cập giữa các mã số của các bộ, ngành sao cho hiệu quả khi triển khai Đề án nhằm chống trùng lắp trong việc thực hiện.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo, nhấn mạnh đến mục tiêu lớn và ý nghĩa quan trọng của Đề án trong việc tạo điều kiện cho công dân về đơn giản hoá giấy tờ thủ tục giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư, đồng thời bảo đảm cho công dân chỉ phải khai về nhân thân một lần duy nhất. Điều này thực sự là bước đổi mới cơ bản về quản lý Nhà nước đối với dân cư, phù hợp với thông lệ quốc tế và việc xây dựng Chính phủ điện tử. Việc thực hiện Đề án không phải là lập cơ sở dữ liệu quốc gia mới mà phải sử dụng cơ sở dữ liệu hiện có của các bộ, ngành trong vấn đề này.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ý kiến của các bộ, ngành tại buổi làm việc bước đầu làm sáng tỏ hơn những vấn đề chưa đồng nhất. Các thành viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, không lãng phí cái đã có, đồng thời các bộ, ngành cần phối hợp thực hiện nhịp nhàng, học tập kinh nghiệm nước ngoài. Cần tiên lượng những vấn đề có thể phát sinh để tránh lãng phí, thiếu hiệu quả trong thực hiện Đề án.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc triển khai thành công Đề án này quyết định sự thành công của Chương trình cải cách hành chính Nhà nước đến năm 2020. Vì vậy, Ban Chỉ đạo sớm hoàn chỉnh quy chế hoạt động của mình. Căn cứ quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành thành lập Tổ công tác tại bộ, ngành mình.

 

Phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo Đề án. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Phó Thủ tướng cũng giao các bộ, ngành triển khai một số nhiệm vụ cụ thể của mình để việc triển khai Đề án thực sự khẩn trương, hiệu quả, đáp ứng mong mỏi của nhân dân. Theo đó, các bộ, ngành nghiên cứu sử dụng cơ sở dữ liệu của bộ, ngành mình một cách hiệu quả, tránh phân tán, bảo đảm an ninh an toàn trên tinh thần tránh lãng phí, chồng lấn giữa các ngành.

Văn phòng Ban Chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực để không lãng phí, chồng chéo.

Nguồn: chinhphu.vns